Thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) ra đời giúp tạo một nguồn thu ổn định và xây dựng ngân sách lớn cho sự phát triển của đất nước. Vậy, thuế VAT là gì? Đối tượng chịu thuế bao gồm những ai? Các mặt hàng nào không phải chịu thuế VAT? Cách tính thuế VAT ra sao? Để có câu trả lời chính xác, hãy xem qua bài viết dưới đây của Hoàn Cầu!
Thuế VAT là gì?
Thuế VAT là gì? VAT (Value Addex Tax) là thuế giá trị gia tăng (GTGT), một loại thuế gián thu được tính dựa trên những thay đổi, gia tăng thêm từ các loại hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất và lưu thông để đến tay của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chính là người chi trả thuế giá trị gia tăng, còn doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh chỉ là trung gian thu và nộp thuế.
Thuế VAT chiếm bao nhiêu phần trăm?
Khi người tiêu dùng mua một chiếc máy lạnh, lò vi sóng thì sẽ thấy trong hóa đơn có ghi rõ dòng “thuế VAT” kèm theo là 10% giá trị hàng hóa, dịch vụ đó.
Như vậy, theo Điều 4, Điều 9, Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thuế suất thuế GTGT là 10% áp dụng với hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
Ví dụ: Khi mua một chiếc máy lạnh trị giá 15 triệu VNĐ, người dùng phải chi trả thêm thuế VAT 10% là 1,5 triệu VNĐ, tổng cộng phải thanh toán là 16,5 triệu VNĐ.
Qua thông tin về khái niệm thuế VAT là gì cũng như thuế GTGT chiếm bao nhiêu phần trăm đã giúp khách hàng hiểu hơn về chúng. Vậy đối tượng áp dụng thuế GTGT là ai và mặt hàng nào không chịu thuế GTGT?
>>> TÌM HIỂU NGAY: Dịch vụ báo cáo thuế theo quý
Đối tượng chịu thuế VAT gồm những ai?
Căn cứ vào Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối tượng chịu thuế VAT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT được quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Các mặt hàng không phải chịu thuế VAT
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi bổ sung thì có 25 đối tượng hàng hóa, dịch vụ sau không chịu thuế GTGT, gồm:
“Các sản phẩm của nông nghiệp, chăn nuôi, sản phẩm thủy sản nuôi trồng, trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), đánh bắt chưa được chế biến hoặc mới sơ chế.
Các sản phẩm là giống vật nuôi, cây trồng bao gồm trứng giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
Các sản phẩm phục vụ cho quá trình sản xuất và thu hoạch nông nghiệp bao gồm dụng cụ, máy móc, phân bón, thiết bị phục vụ cho phát triển nông nghiệp cùng sản phẩm thức ăn của gia súc, gia cầm và các vật nuôi khác.
Các sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối i-ốt.
Nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
Chuyển quyền sử dụng đất.
Các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, vật nuôi, cây trồng, sản phẩm nông nghiệp, tàu thuyền và thiết bị phục vụ đánh bắt thủy sản.
Các dịch vụ tài chính ngân hàng và chứng khoán như dịch vụ tín dụng, dịch vụ cho vay mà người nộp thuế không phải là ngân hàng, dịch vụ kinh doanh chứng khoán, dịch vụ chuyển nhượng vốn, dịch vụ bán nợ, dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ tài chính phái sinh và dịch vụ bán tài sản bảo đảm.
Các dịch vụ y tế, thú y, khám chữa bệnh, phòng bệnh cho con người và vật nuôi.
Các dịch vụ công ích về bưu chính, viễn thông và phổ cập Internet.
Các dịch vụ công cộng, công viên, cây xanh đường phố và dịch vụ tang lễ.
Dịch vụ xây dựng bằng vốn góp của dân hoặc viện trợ nhân đạo đối với công trình công cộng hay phục vụ cho đối tượng chính sách xã hội.
Dạy học, dạy nghề.
Dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Dịch vụ phát hành liên quan đến báo chí, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số,…
Dịch vụ xe buýt, xe điện để vận chuyển công cộng.
Các máy móc, thiết bị nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Vũ khí để phục vụ cho an ninh quốc phòng.
Các hàng hóa được nhập khẩu nhằm viện trợ nhân đạo, từ thiện hoặc có mục đích làm quà tặng cho các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam. Hàng hóa, dịch vụ bán cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Các sản phẩm không tiêu thụ ở Việt Nam.
Sản phẩm chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa qua chế tác thành sản phẩm khác.
Các sản phẩm xuất khẩu đang là tài nguyên, chưa được chế biến thành thành phẩm.
Các sản phẩm dành cho người khuyết tật bao gồm cả sản phẩm nhân tạo thay thế cho bộ phận bị khuyết tật trên cơ thể người.
Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà doanh thu nhỏ hơn 100 triệu VNĐ.”
Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa kể trên không được khấu trừ và hoàn thuế VAT đầu vào, trừ trường hợp đặc biệt là áp dụng mức thuế suất 0% được quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Thuế GTGT 2008.
Cách tính thuế VAT
Sau khi tìm hiểu về thuế VAT là gì, hãy cùng Hoàn Cầu xem cách tính thuế VAT chính xác và phù hợp với từng đối tượng nhất hiện nay qua 2 phương pháp áp dụng:
Cách tính VAT theo phương pháp khấu trừ
Thuế GTGT cần nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Trong đó:
Thuế GTGT đầu ra = Tổng thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra thể hiện trên hóa đơn VAT xuất ra. Công thức được tính bằng cách sau:
>> Thuế GTGT đầu ra ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế bán ra x Thuế suất của loại hàng hóa, dịch vụ đó.
Thuế GTGT đầu vào = Tổng thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ khi mua vào ghi trên hóa đơn GTGT mua vào.
Các đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ bao gồm:
Các tổ chức, cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo quy định.
Các doanh nghiệp, tổ chức vẫn đang hoạt động và có doanh thu hàng năm từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tối thiểu từ 01 tỷ đồng trở lên và luôn thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn cũng như chứng từ.
Các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế.
Cách tính VAT theo phương pháp trực tiếp
Thuế VAT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu.
Trong đó:
Tỷ lệ % sẽ được áp dụng cho những trường hợp cụ thể như:
Đối với trường hợp phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%.
Đối với trường hợp dịch vụ và hoạt động xây dựng nhưng không bao thầu: 5%.
Đối với trường hợp hoạt động vận tải, sản xuất và dịch vụ có bao gồm hàng hóa hay xây dựng bao thầu: 3%.
Các trường hợp kinh doanh khác: 2%.
Doanh thu xác định để tính thuế VAT là gì? Doanh thu được xác định qua tổng số tiền đã bán ra các loại hàng hóa, dịch vụ được ghi trên hóa đơn bán hàng bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà các cơ sở, tổ chức kinh doanh được hưởng.
Vai trò của thuế VAT là gì?
Giảm sự bất cập trong việc chồng thuế
Nếu không có biến động về tài chính, tiền tệ, sản xuất, lưu thông giảm suất, kinh tế suy thoái và các nguyên nhân khác tác động thì việc áp dụng thuế GTGT thay cho loại thuế doanh thu không ảnh hưởng đến giá sản phẩm tiêu dùng, mà trái lại giá thành sẽ càng hợp lý, chính xác hơn vì tránh được thuế chồng lên thuế.
Thuế VAT không phải là nhân tố gây ra lạm phát, khó khăn, trở ngại cho việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá. Việc áp dụng thuế GTGT sẽ góp phần ổn định giá cả, mở rộng lưu thông hàng hóa nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong quản lý kinh tế Nhà nước
Tạo được nguồn thu tương đối ổn định cho ngân sách Nhà nước.
Tăng thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu có tác dụng tích cực trong việc bảo hộ sản xuất kinh doanh hàng nội địa.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống thất thu thuế một cách hiệu quả.
Nâng cao được tính tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế.
Tăng cường công tác hạch toán kế toán giúp thúc đẩy việc mua bán hàng hoá có hoá đơn chứng từ.
Khấu trừ thuế nộp đầu vào nhằm khuyến khích hiện đại hoá, chuyên môn hoá sản xuất, tăng cường đầu tư thiết bị mới để hạ giá thành sản phẩm.
Như vậy, qua bài viết về thuế VAT là gì, cách tính và những trường hợp áp dụng, không áp dụng đã giúp khách hàng hiểu hơn về thuế GTGT. Nếu như khách hàng muốn được tư vấn thêm nội dung này hoặc vấn đề liên quan đến thuế GTGT thì hãy liên hệ với Hoàn Cầu để được giải đáp chi tiết!